Phát triển các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam sau 20 năm
Hội thảo về Phát triển và quản lý các khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) ở Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 17/11 nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 20 năm Việt Nam tham gia mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới, và đề xuất các giải pháp phát triển và quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là KDTSQ đầu tiên được công nhận vào năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 9 KDTSQ được công nhận, với diện tích hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích cả nước, là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người.
Tuy nhiên, hầu hết các khu bảo tồn, KDTSQ đều nằm trong vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, các rào cản khác bao gồm thiếu khuôn khổ chung để thực hiện các giải pháp tích hợp trong phát triển bền vững, tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan trong KDTSQ còn chưa hiệu quả và năng lực lập kế hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan chưa hiệu quả.