Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới – 10 năm nhìn lại và con đường phía trước
Giới thiệu
Tại Việt Nam, phát triển nông thôn luôn song hành với phát triển nông nghiệp. Bản thân nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Việt Nam, là trụ cột của nền kinh tế đất nước. Vì vậy, phát triển nông thôn luôn là trọng tâm hàng đầu của chính phủ Việt Nam.
Chính sách nông nghiệp của Việt Nam thời kỳ đầu tập trung vào xóa đói giảm nghèo, chuyển dần từ nông nghiệp tự cung tự cấp sang nông nghiệp thương mại hóa trong giai đoạn 1986-2000. Kể từ đó, giai đoạn đa dạng hóa nông nghiệp bắt đầu (2000-2008), đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.1 Hiện nay, hướng tiếp cận của chính phủ tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững và có khả năng chống chịu (từ 2008-nay). Chính phủ hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao, có thể tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn với chi phí môi trường và con người thấp hơn.2 Các chiến lược chính do Ban chấp hành trung ương Đảng đưa ra khẳng định nông nghiệp, nông dân và nông thôn tiếp tục là các hợp phần không thể tách rời trong kế hoạch, mặc dù được thực hiện theo hướng bền vững.3
Vào năm 2010, Chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển nông thôn, được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (CT-NTM)4 Quá trình triển khai được chia thành các giai đoạn năm năm, hiện tại chương trình đang bước vào giai đoạn thứ ba. CT-NTM được chính phủ xác định là một nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới
CT-NTM hỗ trợ hơn 9,000 xã trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam để nâng cấp dịch vụ và hạ tầng ở cộng đồng, nâng cao thu nhập và năng suất, đồng thời giảm chênh lệch kinh tế xã hội giữa các khu vực nông thôn và thành thị ở Việt Nam.
Chương trình có 11 nhóm hoạt động chính với 19 chỉ tiêu5 nhằm đo lường thay đổi liên quan đến nghèo đói, giáo dục, y tế, giao thông, cấp nước, thủy lợi, sinh kế, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, năng lượng, các vấn đề môi trường, truyền thông và an ninh. Các xã sẽ đánh giá các nhu cầu ưu tiên theo các chỉ tiêu này và lập kế hoạch để đáp ứng được các tiêu chí đó. Về nguyên tắc, chương trình sẽ hỗ trợ bằng cách phân bổ nguồn kinh phí cần thiết để đáp ứng những nhu cầu ở từng xã.6
Quản trị chương trình
Kể từ khi khởi động, chương trình đã thu hút được tổng cộng 2,967,057 tỷ đồng (tương đương khoảng 13.48 tỷ đô la Mỹ/năm). Nguồn lực cho phát triển nông thôn mới được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.
Trong giai đoạn đầu (2011-2015), nguồn vốn và việc thực hiện ở nhiều xã chủ yếu tập trung vào mục tiêu về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, chương trình đã đạt được hiệu quả trong việc tăng cường lập kế hoạch cấp địa phương, đặc biệt là những nơi có các dự án do các nhà tài trợ hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên, có những hạn chế trong quản lý và điều hành.7 Trong giai đoạn hai (2016 – 2020), đã có sự định hướng lại việc sử dụng ngân sách để cải thiện những hạn chế đó, cùng với việc nâng cao thu nhập, năng suất, giá trị gia tăng và tạo dựng doanh nghiệp.
Việc thực hiện CT-NTM được phân cấp, các quyết định chi cho những hạng mục nào cần thiết được thực hiện ở cấp tỉnh, huyện và xã. Số liệu ngân sách công8 cho thấy thực tế như vậy, chi đầu tư (bao gồm chi cho tài sản, đất đai, cổ phiếu hoặc tài sản vô hình) được thực hiện chủ yếu ở cấp địa phương.9 Chi đầu tư chủ yếu tập trung vào chi cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, hệ thống thủy lợi và nước sạch. Ngân sách trung ương tập trung vào chi thường xuyên, dành cho hỗ trợ sản xuất và chuỗi giá trị, đào tạo nghề, nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá, bảo trì, giáo dục và vệ sinh môi trường.
Chương trình Nông thôn mới trong thập kỷ đầu tiên
Một xã nếu đạt tất cả 19 tiêu chí nông thôn mới được công nhận là xã đạt chuẩn “Nông thôn mới”. Huyện/tỉnh nếu có tất cả các xã/huyện đạt chuẩn “Nông thôn mới” được công nhận là huyện/tỉnh đạt chuẩn “Nông thôn mới”.
Đến 2020, gần 61% số xã (5,012 xã) đã đạt đủ tất cả 19 tiêu chí, cao hơn mục tiêu kế hoạch là 50%.10
Những thành công ở cấp quốc gia
Nhìn chung, CT-NTM trong 10 năm qua đã thực hiện thành công, đạt được các chỉ tiêu chính phủ đề ra, đáp ứng các thang đo bên ngoài và có được sự hài lòng của chính cộng đồng. Đáng chú ý, chính phủ cho biết 84,78% hộ gia đình nông thôn hài lòng với các công trình xây dựng của chương trình nông thôn mới trong cộng đồng của họ.11
Nhờ có CT-NTM, khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn đã dần được thu hẹp.12 Thu nhập ở khu vực nông thôn tăng gấp 2,78 lần trong giai đoạn 2010-2018, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 17,35% năm 2010 xuống còn 5,9% năm 2019. Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng, chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ. Tỷ lệ lao động nông nghiệp đã giảm mạnh từ 48,2% xuống 38,1% từ năm 2010-2018. Năm 2019, thu nhập từ hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 22% tổng thu nhập của hộ gia đình nông thôn.13
Thành tựu nổi bật nhất của chương trình là phát triển cơ sở hạ tầng.14 Cơ sở hạ tầng giao thông được xây dựng nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân ở các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, vùng sâu, vùng xa, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.15 Trên thực tế, người dân đã tự nguyện hiến 45 triệu m2 đất để làm đường giao thông và các cơ sở hạ tầng dùng chung khác.16 Ngoài ra, hệ thống thủy lợi mới được xây dựng đã giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.17 Chương trình cũng đã tập trung đầu tư cấp điện cho các hộ dân chưa có điện ở các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.18 Hệ thống trường học nông thôn và y tế các cấp cũng được đặc biệt quan tâm đầu tư.19
Ảnh: Phụ nữ ở xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đang xây dựng đường hoa thôn bản. Ảnh do Lò Thị Nhiên chụp.
Nhìn chung, danh hiệu “Xã/huyện/tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới” đã trở thành mục tiêu chính trị mà các lãnh đạo địa phương rất mong muốn đạt được, đồng thời cũng là phong trào thi đua sôi nổi trên khắp cả nước.20
Những trở ngại ở cấp địa phương
Mặc dù có những thành tựu đáng ghi nhận ở cấp quốc gia, nhưng mức độ hưởng lợi từ CT-NTM vẫn còn khác biệt ở cấp địa phương, đặc biệt là ở các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng miền Trung – các vùng đất truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ số xã nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước (44,8% so với 55,6%). Các xã này bình quân cũng đạt được số tiêu chí nông thôn mới thấp hơn so với mức chung của cả nước, là 14,87/19 so với 16,38/19. Ngay cả đối với những xã đã đạt chuẩn, các thành tựu không được bền vững, bởi nhiều cơ sở hạ tầng đã xuống cấp.21 Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giảm từ 3 – 4%/năm.22
Các điều kiện kinh tế xã hội từ trước, như hệ thống nước sạch và vệ sinh kém, thu nhập bình quân đầu người thấp,23 có nghĩa là cần phải vượt qua khoảng cách lớn hơn để đáp ứng các tiêu chí của CT-NTM. Những trở ngại về địa lý, bao gồm khoảng cách xa xôi, địa hình phức tạp và chia cắt, cũng như dân cư thưa thớt phân tán, dẫn đến chi phí đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực miền núi thường rất cao, cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với các khu vực đồng bằng.24 Ngoài ra, đầu tư thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng và nâng cao năng lực địa phương còn hạn chế.25 Chi tiêu công cũng không ưu tiên cho các xã có hạn chế về khả năng huy động nguồn lực trong khi cần đầu tư lớn. Thêm vào đó, trọng tâm là xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng mới, nhưng ngân sách cho vận hành và bảo trì lại không đủ.26 Một hậu quả là ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng, do hầu hết chất thải rắn và nước thải (công nghiệp và hộ gia đình) chưa được thu gom và xử lý triệt để.27
Hơn nữa, các chỉ số cấp quốc gia – chỉ tập trung vào các thước đo kinh tế – không tính đến nhu cầu cấp địa phương. Chính phủ đưa ra một chuẩn chung xây dựng diện mạo nông thôn “sạch, đẹp, hiện đại” với đường nhựa hoặc đường bê tông, nhà gạch, bất kể đó là miền núi hay miền biển. Tuy nhiên, chuẩn này không phù hợp với tất cả các làng bản nông thôn, nơi kiến trúc truyền thống hòa hợp với điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, CT-NTM xây dựng theo ưu tiên “điện – đường – trường – trạm”, bỏ qua cấu trúc và không gian làng xã rất quan trọng về yếu tố văn hóa. Đình, chùa, đền, miếu mạo, không còn là điểm nhấn của làng quê, vì thế mà đứt gãy những giá trị văn hóa. Điều này có nghĩa là thiếu sự đầu tư của cộng đồng vào kiến trúc và văn hóa truyền thống. Có thể dễ dàng nhận ra thực tế này, mật độ xây dựng ngày càng gia tăng, có những công trình xâm phạm trực tiếp đến các di tích, di sản.28
Bình đẳng giới đã được đưa vào CT-NTM trong một chỉ số thành phần (chỉ số 18.6). Tuy nhiên, vấn đề giới không được xem xét trong bất kỳ tiêu chí nông thôn mới nào còn lại.29 Điều này có nghĩa là các hoạt động của CT-NTM không phản ánh tiếng nói và nhu cầu của phụ nữ.
Nhìn về phía trước – Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Chương trình đang bước vào giai đoạn 3, thời kỳ 2021-2025. Chính phủ nhấn mạnh cần đảm bảo “hiệu quả, toàn diện và bền vững” trong xây dựng Nông thôn mới. Chương trình hiện nay nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững ở tất cả các cấp (tỉnh, huyện, xã và thôn), đồng thời góp phần thực hiện chiến lược quốc gia tổng thể về nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Các ưu tiên chính của chương trình hiện nay như sau:
- Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và liên kết vùng;
- Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân bền vững, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng khai thác lợi thế của từng vùng;
- Bảo vệ môi trường và cải thiện cảnh quan nông thôn; và
- Phát triển giáo dục, y tế, du lịch nông thôn, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn.
References
- 1. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 10/11/1998 về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 18//03/2002 về thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2001 – 2010 và Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/06/2000 về một số chủ trương và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- 2. Ngân hàng Thế giới. 2016. “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào“. Báo cáo phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 7 năm 2020.
- 3. Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 5/8/2008 về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 và Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 về chương trình tái cơ cấu ngày nông nghiệp.
- 4. Chính phủ Việt Nam. 2010. Quyết định số 800/QD-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010-2020. Truy cập tháng 10, 2021.
- 5. Chính phủ Việt Nam, Quyết định số 1980/QD-TTg, ngày 17/10/2016, về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới 2016-2020. Truy cập tháng 10, 2021
- 6. IFAD. 2016. Tổng kết kinh nghiệm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021
- 7. Ví dụ, không đủ nhân sự chuyên trách và có trình độ; khong có hệ thống đánh giá hiệu quả; hệ thống tiêu chí còn mơ hồ; và các kế hoạch chưa phản ánh hết nhu cầu thực tiến dẫn đến đầu tư không hiệu quả.
- 8. Chi tiêu công là chi tiêu của chính quyền trung ương và địa phương, được phân thành hai loại chi thường xuyên và chi đầu tư. Chi thường xuyên là tất cả các khoản chi không phải là tài sản vốn, bao gồm các khoản chi cho hàng hóa và dịch vụ, (tiền công và tiền lương, đóng góp của người sử dụng lao động), thanh toán lãi suất, trợ cấp và chuyển nhượng. Chi đầu tư là các khoản thanh toán để mua tài sản cố định, cổ phiếu, đất đai hoặc tài sản vô hình.
- 9. Văn phòng điều phối CT-NTM-Bộ NN&PTNT.2020. Báo cáo thực hiện CT-NTM. Truy cập tháng 10, 2021
- 10. Văn phòng điều phối CT-NTM-Bộ NN&PTNT.2020. Báo cáo thực hiện CT-NTM. Truy cập tháng 10, 2021
- 11. Văn phòng điều phối CT-NTM-Bộ NN&PTNT.2020. Báo cáo thực hiện CT-NTM. Truy cập tháng 10, 2021
- 12. Ban chỉ đạo CT-NTM. 2020. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021
- 13. Ban chỉ đạo CT-NTM. 2020. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021
- 14. Ban chỉ đạo CT-NTM. 2020. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021
- 15. 206,743 km đường được xây dựng và nâng cấp, 68.7% đường xá được cứng hóa, đường ngõ, xóm ở gần 80% số xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 6,461 xã (72.7%) đã đạt được chỉ tiêu về giao thông (tăng 69.5% so với năm 2010). Trích từ Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021
- 16. Báo điện tử Đảng cộng sản. 2020. Giải quyết tốt nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021
- 17. 8,282 xã (93.2%) đã đạt chỉ tiêu thủy lợi (tăng 77.5% so với năm 2010).
- 18. 100% các xã và 99.1% các hộ gia đình nông thôn đã có điện. Trích từ Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021
- 19. 31,016 trường học ở nông thônl. 6,431 xã (72.4%) đã đạt chỉ tiêu trường học (tăng 60.2% so với năm 2010). 72,952 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao (chiếm 79.2%). 100% các xã đã có trạm y tế, 76% trong đó đạt tiêu chí y tế, 87.5% trạm y tế có bác sỹ làm việc tại trạm. Trích từ Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021
- 20. Ngân hàng thế giới. 2017. Việt Nam – Chương trình cho kết quả hỗ trợ CT mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và CT hỗ trợ nghèo bền vững .Truy cập tháng 10, 2021.
- 21. Ngân hàng thế giới. 2017. Việt Nam – Chương trình cho kết quả hỗ trợ CT mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và CT hỗ trợ nghèo bền vững .Truy cập tháng 10, 2021.
- 22. Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc. 2020. Cả nước có 2.947 xã vùng dân tộc thiểu số về đích nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021.
- 23. IPSARD. 2020. “Phát triển sinh kế ở các xã đặc biệt khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới”. Truy cập tháng 10, 2021.
- 24. IPSARD. 2020. “Phát triển sinh kế ở các xã đặc biệt khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới”. Truy cập tháng 10, 2021.
- 25. IFAD.2016. Tổng kết kinh nghiệm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Truy cập tháng 10, 2021.
- 26. Ngân hàng thế giới. 2017. Việt Nam – Chương trình cho kết quả hỗ trợ CT mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và CT hỗ trợ nghèo bền vững .Truy cập tháng 10, 2021.
- 27. Dân vận. 2020. 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020: kết quả và bài học kinh nghiệm. Truy cập tháng 10, 2021.
- 28. Tạp chí kiến trúc. 2020. Những mảng tối của kiến trúc nông thôn. Truy cập tháng 10, 2021.
- 29. Liên hợp quốc tại Việt Nam. 2020. Thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng Nông thôn mới ở Việt Nam. Truy cập tháng 10, 2021