1. Tổng quan:
Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 5000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản. Trong đó, một số loại có trữ lượng quan trọng như bô xít (672,1 triệu tấn), apatit (0,778 triệu tấn), titan (15,71 triệu tấn), than (3.520 triệu tấn), đất hiếm (1,1 triệu tấn) và đá granit (15 tỷ m3). Trữ lượng dầu mỏ ước tính khoảng 6 tỷ tấn và khí đốt khoảng 4.000 tỷ m3, phân bố chủ yếu ở vùng trầm tích từ Nam đến Bắc.
Theo công bố vào tháng 10/2014 của Tổ chức Khảo sát địa chất Mỹ (USGS): Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương (110 triệu gallon barrels); đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc trên thế giới và 1,8% tổng sản lượng xi măng, 1% tổng sản lượng Barite trên thế giới1.
Theo tính toán, trong giai đoạn 2008 – 2013, đóng góp của ngành khai khoáng vào GDP của Việt Nam tăng từ 9,07 % năm 2008 lên 11,49% vào năm 2013, tương đương với 411.673 tỷ đồng.
Bảng 1. Đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng2 vào GDP cả nước trong gian đoạn 2008-2013
(Nguồn: Tổng Cục thống kê3)
2. Chính sách:
Khung chính sách pháp luật của Việt Nam về quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản được thiết lập và điều chỉnh theo từng giai đoạn. Đầu tiên là Pháp lệnh 22/PL-HĐBT về Tài nguyên Khoáng sản ngày 28/7/1989 do Chính phủ ban hành và Nghị định 95/NĐ-HĐBT ngày 25/3/1992 về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về Tài nguyên Khoáng sản. Tiếp đó là Luật khoáng sản năm 1996 và sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2005. Năm 2010, Quốc hội ban hành Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12.
Theo đó, Luật Khoáng sản 2010 có một số quy định như:
- (i) UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại khu vực có tài nguyên khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ…. nhưng không phải trên tất cả các khu vực của địa phương mà chỉ được cấp phép dựa trên những khoanh định và công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Các khu vực còn lại do Bộ TN&MT cấp phép.
- (ii) Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản chủ yếu thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác, tuy nhiên hiện nay mới có một số mỏ vật liệu xây dựng được cấp phép thành công qua đấu giá.
Dưới luật là các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư của một số bộ, ngành hữu quan như Bộ TN & MT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính,… đã ban hành tương đối đầy đủ để thực thi việc quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản.
Về vấn đề tài chính, hoạt động khoáng sản chịu điều tiết bởi Luật Ngân sách Nhà nước 2015, theo đó các loại thuế phí chia làm 3 loại:
- (i) Khoản thu nộp ngân sách trung ương 100% như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa xuất nhập khẩu, các khoản thuế và thu từ dầu khí,…;
- (ii) Khoản thu nộp ngân sách địa phương 100% như thuế tài nguyên (không kể dầu khí), thuế nhà, đất, tiền cho thuê đất,…;
- (iii) Khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương như thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa dịch vụ trong nước, thuế thu nhập cá nhân.
Hình: Quy trình phân bổ nguồn thu có liên quan đến tài nguyên khoáng sản theo Luật NSNN năm 2015, và Nghị định 12/2016/NĐ-CP, và các văn bản quy định từng chính sách thu 4
3. Một số vấn đề của ngành khai khoáng:
Theo thống kê của Bộ TN&MT năm 2014, trên cả nước có khoảng 3.000 tổ chức, cá nhân đang hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo 4320 giấy phép. Trong đó, số lượng giấy phép do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp là 559. Chỉ tính riêng trong năm 2013, số lượng giấy phép do cơ quan Trung ương cấp là 48, do các địa phương cấp lên tới 477. Trong khi đó, chỉ có 9 tỉnh, thành phố ban hành 58 quyết định thu hồi giấy phép và 10 tỉnh, thành phố ban hành 42 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản5. Luật Khoáng sản năm 2010 có quy định cấp phép một số mỏ thông qua đấu giá công khai, tuy nhiên hiện nay mới có một số mỏ vật liệu xây dựng được cấp phép thành công qua đấu giá.
Tác động môi trường của hoạt động khai khoáng tại Việt Nam bao gồm xói mòn, sụt đất, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm đất, nước ngầm và nước mặt do hóa chất từ chế biến quặng. Trong một số trường hợp, rừng ở vùng lân cận còn bị chặt phá để lấy chỗ chứa chất thải mỏ. Bên cạnh việc hủy hoại môi trường, ô nhiễm do hóa chất cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân địa phương. Tại những vùng hoang vu, khai khoáng có thể gây hủy hoại hoặc nhiễu loạn hệ sinh thái và sinh cảnh, còn ở nơi canh tác thì hủy hoại hoặc nhiễu loạn đất trồng cấy và đồng cỏ…(Lê Diên Dực, Trung tâm Tài nguyên và Môi trường) 6
Tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép khoáng sản được nhận diện qua 03 dạng doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản: Dạng thứ 1 là những doanh nghiệp được Bộ TN&MT và Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng không đầu tư nhà máy chế biến mà tìm cách bán quặng thô để thu lợi nhuận. Dạng thứ 2 là các doanh nghiệp mua khoáng sản từ các doanh nghiệp được cấp giấy phép để xuất lậu sang nước ngoài. Dạng thứ 3 là doanh nghiệp vận tải, trực tiếp thực hiện hành vi xuất lậu khoáng sản qua biên giới. (Đại tá, phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế-Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm – Bộ Công an)7 Chỉ tính riêng ngành than, thống kê cho thấy mỗi quí, tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam mất khoảng 2 triệu tấn than do buôn lậu và ước tính mỗi năm bị thất thoát lên tới hàng nghìn tỷ đồng8.
Việt Nam hiện chưa xây dựng một hệ thống quản lý riêng cho ngân sách từ khai thác tài nguyên dẫn đến những khó khăn trong đánh giá tổng thể hiệu quả của ngành này. Việc phân bổ và sử dụng ngân sách hiện nay chủ yếu dựa trên dự toán ngân sách do Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp phê duyệt.
Theo nghiên cứu của Viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên (NRGI) công bố năm 2013, Việt Nam đứng thứ 43/58 nước được tiến hành nghiên cứu, nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số quản trị về khai khoáng và dầu khí đứng cuối cùng trong nhóm kém9
4. Sáng kiến EITI tại Việt Nam
Quốc tế đã đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến nhằm giải quyết hoặc hạn chế các vấn đề từ ngành công nghiệp khai khoáng như: Hiến chương Khoáng sản, Mạng lưới công khai các khoản chi trả (Publish What you Pay), Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) … Trong đó, EITI được đánh giá cao về tính mềm dẻo và khả năng áp dụng cho các quốc gia. EITI được cựu thủ tướng Anh, Tony Blair, giới thiệu lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững ở Johanesburg (Nam Phi) năm 2002. Nguyên tắc cơ bản của EITI10 là Chính phủ công khai các khoản thu từ doanh nghiệp khai thác và doanh nghiệp công khai các khoản nộp cho Chính phủ. Quá trình này được giám sát bởi các bên liên quan.
Hiện có 51 quốc gia tham gia thực hiện EITI với các báo cáo đã xuất bản công bố thông tin về gần 1,9 nghìn tỉ USD nguồn thu và lượng dữ liệu về ngành công nghiệp này trong vòng 284 năm.11
Việt Nam tiếp cận với EITI từ năm 2007 khi tham dự Hội nghị EITI toàn cầu tại Doha, và đến năm 2009, Bộ Công thương được chỉ định là cơ quan đầu mối nghiên cứu về EITI. Năm 2012-2013, Bộ Công thương hợp tác cùng Viện Adam Smith International tiến hành đánh giá những thuận lợi và thách thức nếu Việt Nam thực thi EITI12. Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan Chính phủ, các tổ chức xã hội ở Việt Nam cũng đã và đang tiến hành những hoạt động hỗ trợ thúc đẩy Việt Nam sớm gia nhập EITI. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa đưa ra được cam kết nào về việc gia nhập EITI.
(Trần Hải, cập nhật 06/2016)
References
- 1. 2012 Minerals Yearbook, Vietnam [advance release], http://minerals.usgs.gov/minerals/pubs/country/2012/myb3-2012-vn.pdf
- 2. Ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam bao gồm cả khai thác dầu khí và khoáng sản. Trong đó, dầu khí chiếm khoảng 64-85% tổng giá trị ngành công nghiệp khai khoáng.
- 3. Tổng Cục thống kê, http://gso.gov.vn/
- 4. Ngày 25/06/2015, Quốc hội đã ban hành Luật ngân sách sửa đổi mới và có hiệu lực vào năm 2017. Và Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2016/NĐ-CP về Phí bảo vệ môi trường vào ngày 19/02/2016
- 5. Lộ diện những “lỗ hổng” của ngành khai khoáng, Công an nhân dân điện tử, http://cand.com.vn/Kinh-te/Lo-dien-nhung-lo-hong-cua-nganh-khai-khoang-278075/
- 6. Tác động môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản,Tạp chí bảo vệ môi trường, http://vea.gov.vn/vn/truyenthong/tapchimt/nctd42009/Pages/
- 7. Nhận diện khai thác trái phép, buôn lậu khoáng sản, TTXVN, http://www.vietnamplus.vn/nhan-dien-khai-thac-trai-phep-buon-lau-khoang-san/180557.vnp
- 8. Khoáng sản đang bị thất thoát nghiêm trọng, Truyền hình Công an nhân dân, http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/kinh-te/khoang-san-dang-bi-that-thoat-nghiem-trong-130426.html
- 9. Viện Quản trị tài nguyên thiên nhiên (NRGI), http://www.resourcegovernance.org/rgi
- 10. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), 2015. Bộ tiêu chuẩn EITI 2013 và khả năng đáp ứng chính sách của Việt Nam
- 11. Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng, https://eiti.org/countries
- 12. Adam Smith International, 2013. Nghiên cứu khả thi sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam
Really appreciate you sharing this article post.Much thanks again. Awesome.